Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Khủng hoảng!!!

Khủng là to, lớn. Hoảng là hoang mang, hoảng loạn.
Khắp nơi xuất hiện cái cụm từ "khủng hoảng kinh tế", khủng hoảng kinh tế thì đã nhiều lần, lặp đi, lặp lại và lan rộng khắp nơi trên cả thế giới. Nó xuất hiện nhiều đến nổi trở nên nhàm và không làm cho người ta sợ, mà thấy..."cũng chẳng chết ai".
Sự hoảng loạn là một trạng thái tinh thần, nó miêu tả một sự sợ hãi đến mất định hướng, không có phương cách giải quyết, thoát thân...Khủng hoảng là sự hoảng loạn to, lớn, lan rộng đến kinh khủng, đến mức điên loạn ...Khó phục hồi, suy yếu dần và chờ chết!
Khó mà "định hướng" một con chó điên dù đã xích cổ.
Có thể cướp tài sản của những con người sau khi đã trói tay chân, bịt mồm của họ.
Nhưng làm sao có thể tiếp tục bóc lột sức lao động của những người đã bị trói trong cái áo gai dành cho người điên?
Không tiếp tục vơ vét được nữa, thì khủng hoảng lòng tham?



Một câu chuyện thật có thể nhận ra sự "khủng hoảng":
Một buổi chiều cuối tuần, trong một công ty sản xuất. Văn phòng chỉ còn ba người ngồi làm việc trên bàn giấy. Họ vẫn phải làm những thứ giấy tờ sổ sách theo thủ tục, cũ rích đến nhàm chán.
Chẳng một cú điện thoại reo để thay đổi không khí trong phòng, không một khách hàng gọi đến đặt hàng, gọi giao hàng...
Cái thời điện thoại réo không kịp nghe. Hàng không sản xuất kịp để giao đã qua từ lâu rồi. Không khí tẻ nhạt và ngày càng ảm đạm đến nghẹt thở kéo dài gần một năm rồi!
Tiếng máy chạy rầm rì dưới nhà xưởng vọng lên đều đều và tẻ ngắt.
Giám đốc lặng lẽ trong phòng, chẳng biết đang nhức đầu với những con số nợ và có, hay đang đánh tráo cuộc đời, bằng cách làm nhà nông cày bừa và thu hoạch trên trang trại ảo.
Bảo vệ đưa vào văn phòng ba người đàn ông mặc cảnh phục cảnh sát PCCC.
Hai người tuổi trung niên, vác bụng bia lặc lè. Một người vừa qua đôi mươi, dong dỏng cao.
Họ đòi kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy.
Cô thư ký đưa họ đi khắp công ty, kiểm tra những thiết bị phòng cháy, chữa cháy của công ty, trang bị theo yêu cầu của họ, và theo quy định x, y, z nào đó mà họ nghĩ ra.
Giám đốc kéo tấm sáo sau cửa kính từ phòng mình, nhìn ra văn phòng, quan sát một vài giây, rồi lại kéo xuống, tiếp tục im lìm.
Các thủ tục kiểm tra của các "cơ quan chức năng, quản lý..." thường sẽ kết thúc trong thời gian chưa uống kịp ly trà, bằng một biên bản ký sẵn, sau khi "kiểm đếm" phong bì, mà không cần phải mất thời gian "kiểm tra".
Vì khi họ đã mất công kiểm tra, thì dù có tuân thủ pháp luật cỡ nào, họ vẫn luôn "tra" ra được một thiếu sót nào đó để làm khó.
Sau một tiếng đồng hồ kiểm tra, họ quay lại văn phòng ngồi uống nước, mà chẳng thấy lấy biên bản kiểm tra ra... Ậm ừ một chút, rồi họ nói muốn gặp giám đốc để bàn về bảo hiểm cháy nổ.
Giám đốc được vời ra. Vẻ mặt không vui!
Im lặng ngồi nghe thuyết giảng về lợi ích của "bảo hiểm" với vẻ chán chường, chịu đựng mà mọi khách hàng được mời mua bảo hiểm đều hiểu được.
Sau màn mời mọc "bảo hiểm tự nguyện", họ đã chuyển sang tới mục "bảo hiểm bắt buộc".
Giám đốc đốt một điếu thuốc, hít vào một hơi dài ( bằng thời gian uốn lưỡi bảy lần) rồi nói:
- Các anh phải biết rằng công ty của tôi đã phải trang bị tất cả các phương tiện phòng cháy, chữa cháy mà các anh yêu cầu, theo đúng quy định của các anh. Những trang thiết bị ấy do chính các anh cung cấp với giá đắt gấp nhiều lần so với thị trường, để khỏi bị các anh bảo nó không đủ chuẩn.
Công ty tôi không thuộc loại phải mua bảo hiểm bắt buộc như các cảng hàng không, ga xe lửa...đông người, bến bãi, kho bãi,  kho hàng...chứa những chất dễ cháy nổ ... Các anh phải biết rõ hơn tôi điều đó. Thế nên tôi không tranh cãi về chuyện này.
Tôi chỉ nói rõ cho các anh biết: Trong tình hình sản xuất bình thường, thì vài ba triệu biếu các anh không là gì cả, nó chỉ thêm vào một khoản "chi phí sản xuất", trong mấy chục khoản "chi phí sản xuất" dành cho mấy chục ngành có quyền quản lý và kiểm tra chúng tôi.
Trong tình hình hiện nay thì không!
Chúng tôi không thể làm ra đồng nào, chỉ mỗi ngày mỗi thêm lỗ, thêm nợ.
Trách nhiệm phải lo lắng cho cuộc sống công nhân viên của công ty tôi, là của tôi, và tôi đang không gánh nổi.
Vậy thì tôi không thể san sẻ gánh nặng phải nuôi cán bộ công nhân viên của cơ quan các anh.
Tốt hơn hết mỗi chúng ta phải cố gắng làm tốt nhất công việc của mình, chứ đừng tìm cách đổ khó khăn lên vai người khác, tìm cái lợi cho mình bằng cách làm người khác khó khăn thêm.
Có phải các anh cũng không có việc gì để làm?
Tôi hứa là khi nào tôi tự tay mình đốt cái công ty này, tôi sẽ gọi điện cho các đến, để có việc mà làm.
Giám đốc đứng lên, như quả quyết đã kết thúc câu chuyện.
Ba người kia cũng đứng lên, một người lắp bắp:
- Sao lại nói thế?! Nói chung...là công ty của cô đã chấp hành tốt quy định của ngành...Chỉ là...cần thiết...
- Cám ơn anh đã kết luận như thế.
Đi ra đến cửa, giám đốc nhìn người còn trẻ, người đã co rúm lại trên ghế lúc ngồi nói chuyện, cố thu mình thoát khỏi đôi mắt của cô. Cô nói với anh ta:
- Còn trẻ, cố tìm cái nghề gì làm cho ra người tử tế. Đừng có chọn cái nghề đã ăn bám còn hành hạ người khác.

Khủng và hoảng thật sự?!
Hiểu theo nghĩa nào cũng được!
Lúc này thì người này khủng bố làm người kia hoảng sợ, lúc khác thì ngược lại. Và tất cả đều khủng hoảng.

Từ câu chuyện này lại nghĩ ra một vấn đề khác:
Người ta nói nhiều đến dân chủ, dân trí, dân quyền...Đòi thật nhiều ( vì chẳng có bao nhiêu!). Thế nhưng ít ai nghĩ đến và đòi các thứ ấy cho những người đứng giữa làn ranh của hai "thế lực" : quan quyền và dân quyền. Đó là những cán bộ, công nhân viên nhiều ngành nghề đang được nuôi sống hàng ngày bằng cả lương và lậu.
Không đủ cao để được gọi là quan, không thấp bẹt để gọi là dân! Đủ quyền để hành dân, không đủ quyền để thay đổi bất cứ thứ gì khác kể cả cuộc đời mình!
Họ cũng cần được nâng cao nhiều thứ để nhận ra quyền được làm việc và sinh sống như một con người tử tế mà không phải tự tay bóp cổ nhân phẩm của chính mình. Quyền được tôn trọng trong chức nghiệp của mình, hữu ích chứ không ăn hại. Những con người thật sự với lương tri chứ không phải là công cụ.
Tại sao họ không được quyền đó? Họ không cần nó? Hay họ không nhận ra họ cũng là những con người?

2 nhận xét: