Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

Hai chiếc áo phao

Câu chuyện về hai chiếc áo phao, chị Hai tôi nói lâu rồi, tôi chẳng nghĩ gì mấy! Thế rồi tôi về Đà Nẵng sau bão số 9 vào miền Trung 2 ngày, thấy thành phố có vẻ hoang tàn vì cây đổ, cành gãy...Dọn dẹp vài ngày đâu lại vào đó thôi. Cũng vẫn làm xong công việc, vui chơi với bạn bè...Thành phố vẫn đầy những quán cafe, quán nhậu, nhà hàng đông nghẹt! Chờ nước rút, đường thông, tôi về quê thăm mộ ba.
Khu mộ gia tộc tôi nằm trên triền núi, ngay bên con đường nhựa chạy từ Đà Nẵng sang Lào.

Quê tôi miền trung du, thung lũng nằm giữa hai nhánh núi rẽ của Trường Sơn, từ thành phố Đà nẵng chạy ngược lên hướng Tây 50km. Ngày xưa người ta gọi nó là Thường Đức. Giữa thung lũng này có con sông tên Vu Gia, từ khi có cái đập thuỷ điện chắn ở đầu nguồn, mùa hạn con sông chỉ còn một lạch nước nhỏ có thể xắn quần lội qua. Thế nhưng khi nước lũ tràn về thì cái hồ cũng "tát nước theo mưa". Nên nước cuồn cuộn chảy. Nước ngập trắng từ dãy núi bên này, sang dãy núi bên kia! xóm làng chỉ còn những mái nhà nhô lên.
Nhà chú nước ngập lên đến gác! ( kỷ lục năm 1964 cũng chỉ ngập mặt bàn). Nhà chú là nhà xây, thế mà thằng em họ nói: nước dâng nữa thì chỉ có nước la làng! Mà la làng thì cũng có ai cứu? Chắc là chết hết! May mà bão không đổ thẳng vào Quảng Nam! Chứ dưới nước chảy, trên gió lắc, thì nhà nào cũng trôi, cũng đổ!
Không thể vào làng vì bùn còn ngập đường đi, nên chẳng thể thăm viếng ai.
Đứng trên con đường nhựa nhìn xuống xóm làng vừa bị nhấn chìm trong nước lũ, bỗng nhiên tôi nhớ đến người đàn bà với đứa con bị bại liệt:
Chị năm nay khoảng sáu mươi tuổi, đứa con trai bị sốt bại liệt từ nhỏ, nên lẽ ra ở tuổi có thể cậy nhờ con cái, chị vẫn phải chăm con như chăm trẻ. Dù ở gần núi rừng, nhưng chẳng có đàn ông, nên căn nhà chị ở chỉ là cái chòi tranh như chòi vịt. Quanh năm chị trồng rau mang bán ở chợ thôn. Sau mỗi mùa nước lụt, chị lại cắt cỏ tranh dựng lại cái chòi. Cho đến khi thằng con bị nước lụt cuốn trôi, suýt chết. Bạn bè về thăm, mua cho chị hai chiếc áo phao. Cứ đến mùa mưa bão, hai mẹ con mặc vào, lỡ bề nào nó còn nổi lềnh phềnh chờ người vớt!
Chả biết trận lụt lớn thế này, mẹ con chị ra sao rồi?
Lại nghe bà bán nước nói ông Cù ở một mình trong cái nhà tình thương ở xóm trên bị nước cuốn mất xác rồi!
Nước lũ cuốn từ rừng thượng nguồn biết bao nhiêu là gỗ quí, gỗ lậu, trôi ngang, tấp dọc, quật ngã những căn nhà vốn đã xiên vẹo...Rồi vướng vào chân cầu Quảng Huế tấp kín mặt sông. Có cả xác người!
Không chết chìm mất xác, thì chả biết có tránh được những thứ trôi nổi trong giòng nước xiết ấy quật vào đầu?!
Bờ biển ĐN sóng đẩy vào: cây, gỗ, tranh, rạ...xác người!
Số phận cả thôi!
Nghiệp số của riêng một người đã nặng thế!?
Cộng nghiệp của cả dân tộc này còn nặng tới đâu?
Mấy ngàn năm, qua bao nhiêu cuộc chiến tranh tương tàn...Và bây giờ, cứ nhìn những gì đang xẩy ra
trong xã hội, trên đất nước mình!?!?!?

Những chiếc áo phao!
Bằng vải dù ( 100% coton) màu cam, may hai lớp, luồn vào những miếng xốp...
Giá thành mỗi chiếc áo phao này không cao.
Nhưng....
Đây là loại hàng hoá "rất đặc biệt"! Người dân chẳng ai tự nguyện mua nó để bảo vệ mình ( giống như nón bảo hiểm vậy đó). Mà "đăng kiểm" bắt buộc các chủ phương tiện phải mua để tránh bị phạt. Cũng chính vì vậy mà từ tay người sản xuất đến tay người tiêu thụ giá thành của nó tăng đến ba, bốn lần. Mặc dù chất lượng ngày càng kém.
Tại sao không sản xuất áo phao dân dụng ( khác với áo phao đăng kiểm) với màu xanh lá mạ, chất lượng cao, giá thành thấp, để bán và tặng cho người dân vùng lũ lụt?
Các công ty thường dùng áo mưa để quảng cáo hãy chuyển sang dùng áo phao để quảng cáo?
Áo phao, việc đáng nghĩ và nên làm.

3 nhận xét:

  1. À , thì ra...
    Ý kiến của Bạn rất hay .Nhưng áo mưa thì có thể mặc trong thành phố khi mưa , còn áo phao thì chỉ cần ở vùng lụt lội . BB sợ mấy nhà kinh doanh sẽ không dùng áo phao để quảng cáo đâu .

    Trả lờiXóa