Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Tiền: Giá trị và con người.

Đồng tiền quý báu khi phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt và đôi khi cả bằng máu của chính mình.
Đồng tiền tanh tưởi, dơ bẩn khi nó thấm đầy mồ hôi, nước mắt và máu của người khác.
Chính vì thế người ta có thể đánh giá một con người qua cách làm ra tiền và cách tiêu xài tiền.

Tiền được in ra để làm phương tiện trao đổi tiện lợi. Thay thế dần những trao đổi sơ khai bằng sản vật trao tay, nhất là khi giá trị tinh thần ngày càng trở nên quan trọng.
Người nông dân có thể mang một thúng gạo đi đổi con gà, nhưng chẳng biết bao nhiêu gạo để đổi một bức tranh, hay một bài hát.
Bắt đầu bằng hình thức viết tay một mảnh giấy ( bảo lãnh bằng uy tín và sản vật của mình), nó biến hình thành tem phiếu, tiền vàng, tiền giấy, tài khoản, cổ phiếu...
Dù ở hình thức nào, thì giá trị đồng tiền vẫn phải tỉ lệ thuận với sản phẩm lao động mới có thể duy trì sự ổn định và công bằng xã hội.
Khi xã hội xuất hiện quá nhiều lao động sản xuất phi vật chất và các loại hình dịch vụ, tiền bắt đầu mất dần khả năng bảo lãnh bằng sản vật. Nó cũng khởi đầu cho việc mất giá đồng tiền và bất công xã hội.
Và đến khi con người dùng quyền lực xã hội tác động vào đồng tiền bằng ý chí cá nhân hay ý chí tập thể, bằng nhiều mánh lới khác nhau, thu tóm nó, sử dụng nó mà không phải bỏ ra sức lao động tương ứng, thì tiền không chỉ là phương tiện trao đổi đầy bất công mà còn trở nên tàn bạo.
Người ta không còn dùng nó để trao đổi nhu yếu phẩm, để tái sản xuất sức lao động, để nuôi sống con người và trang bị cho con người những giá trị tinh thần để phát triển phần người. Mà còn dùng nó để thâu tóm quyền lực, thống trị ( gây chiến tranh, mua bạo lực) và bóc lột một cách hiệu quả.
Ở giai đoạn này đồng tiền gần như đã có tác dụng ngược hẳn với mục đích ban đầu khi nó được làm ra.
Trước khi nhân loại quay ngược lại với hình thức trao đổi sơ khai, thì chúng ta vẫn phải sử dụng phương tiện trao đổi đầy bất công này!
Cảm xúc từ bất an đến bất bình trước những sự kiện xã hội, đều xuất phát từ những "trao đổi bất công" này.
Khi đứng trước một sự kiện trao đổi con người lập tức có một phản xạ không điều kiện ( tận tiềm thức) là SO SÁNH, mà "văn hóa lúa nước" sâu xa của dân tộc ta thì gọi là thói quen "quy ra thóc".
Ví dụ: Lương của một công nhân sản xuất ở một hãng xưởng là ba triệu đồng, được tiêu dùng ( quy đổi) ra các nhu yếu phẩm cần thiết: Tiền nhà, gạo, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, điện, nước sinh hoạt, phí di chuyển...Thì không thể đủ để tái tạo sức lao động làm ra sản phẩm, điều đó không chỉ tạo ra sự bất an cho chính bản thân người công nhân, mà còn tạo ra sự bất an cho nhiều người cùng tầng lớp và những người quan tâm đến họ trong xã hội. Vậy việc trao đổi bằng tiền này mang tính bất công và gây ra bất an.
Những trao đổi gây bất bình thậm chí phẩn nộ như:
- Đại gia bao gái chân dài tiền tỉ
- Quan chức xây nhà triệu đô
- Quý tử xài xe siêu hạng
- Đường cao tốc xây dựng đắt gấp 4 lần đường cao tốc của Mỹ đã hư hỏng
- Vân vân...
Bởi vì những trao đổi này bộc lộ sự bất công đến mức phi lý, khi người ta so sánh mức độ làm ra của cái vật chất ( mức độ đóng góp lợi ích xh) của một người ( hay nhóm người) với những gì họ tiêu dùng, hưởng thụ.
Chính vì thế nhiều người đã bất bình, phẫn nộ đến mức khó lý giải tại sao việc làm của người khác không liên quan gì đến họ lại có thể ảnh hưởng đến họ một cách tiêu cực như vậy. Nhiều người không cần lý giải, chụp ngay cho thái độ đó là do ganh ghét người giàu.
Những người bị chụp mũ đó vội vàng khẳng định họ không ghét những người giàu làm ăn chân chính.
Làm thế nào để biết ai là người làm ăn chân chính, ai là kẻ giàu nhờ bóc lột, tham nhũng, trộm cướp, lừa gạt? Phải nhìn vào việc làm của họ.
Đâu phải ai cũng có cơ hội để hiểu biết công việc của từng người, và những người giàu có lại chưa chắc nói về công việc của họ.
Có một cách đánh giá khá chính xác về con người bằng cách nhìn vào cách tiêu xài đồng tiền của họ. Những đồng tiền chân chính không dễ dàng được tiêu hoang, vì người ta biết quý công sức của mình. Không đánh đổi công sức để lấy những thứ phù phiếm vô ích,thậm chí có hại cho mình và cho xh, vì họ biết cách dùng nó một cách hữu ích.
Ở xã hội nào đồng tiền chứa đựng nhiều bất công, mâu thuẫn nhất, tiền không được bảo lãnh bằng sản vật và niềm tin, mà ngay cả những thứ cần phế thải như sự dối trá, lừa đảo, quyền lực, lươn lẹo...cũng đổi được ra tiền, thì xã hội đó chắc chắn sẽ rối loạn, lạm phát đồng tiền và thiểu phát niềm tin.
Khi sự lươn lẹo ( núp dưới một tên dịch vụ nào đó) đổi được nhiều tiền hơn ( nhiều lần hơn, thậm chí tỉ lần hơn) công lao động sản xuất, thì không chóng thì chầy người ta quay về với hình thức trao đổi thô sơ nhưng công bằng : Trao đổi hàng hóa.
Chỉ bằng cách này họ tước bỏ quyền bóc lột của những kẻ quyền thế dựa vào địa vị xã hội hay chính trị.
Như nhiều người dân Zimbabwe đã quay về với hình thức trao đổi hàng hóa, khi đồng tiền đã lạm phát đến mức in cả tiền mệnh giá chục tỉ, mà để mua bánh mì phải khiêng đi cả bao tải bạc.
Khi tiền mất giá đến mức độ không còn cần sử dụng đến nó, thì kẻ ăn cửa giữa và bọn trộm cướp, tham nhũng thật khó khăn!
Nhiều thế lực chính trị đã phải hiện nguyên hình là các nhóm phiến quân, thổ phỉ...đi cướp sản vật của nông dân ( rất nhiều ở các nước Phi Châu, một số ở Á Châu). Nhưng cũng khó mà đi cướp và chuyên chở hàng chục hàng trăm tấn lương thực để mua một đêm với gái đẹp. Hay bắt và xua đi hàng trăm nô lệ để xây một một tòa nhà???
Khi sự phù phiếm "đắt tiền" lên ngôi ( tổ chức thổ phỉ tinh vi hơn) đồng nghĩa với một xã hội thối lui vào giai đoạn loạn lạc.
Khi người ta nhận ra không thể thay đổi, sửa chữa một hệ thống vận hành tốn kém, vô hiệu quả, tiêu tốn bao nhiêu thời gian, trí lực, mạng người... Thì chẳng nên tốn hơi, phí sức với nó.
Nếu không thể đem nó vứt đi và thay bằng một hệ thống mới, thì người ta đành quay về với sản xuất và trao đổi sản vật theo phương thức thô sơ. Đó là lúc xã hội từ chối (bất hợp tác) với mọi cơ hội bóc lột, lừa đảo của ngôn từ và chữ nghĩa ( của những kẻ cơ hội chính trị).
Khi người lao động ( cả trí và lực) không tự tìm cho mình hình thái trao đổi công bằng, mà tiếp tục thụ động, chấp nhận bán rẻ công sức của mình, thì xã hội tiếp tục nuôi ngày càng lớn đám ký sinh.
Điều kỳ lạ là đám ký sinh ấy càng lớn mạnh thì chính chúng sẽ giết chết vật thể mà chúng ký sinh trên đó, nguồn sống của chúng. ( vật thể bị nhung nhúc đỉa hút máu của chúng ta sắp chết?).
Và thái độ của những con người trong xã hội này như thế nào?
Nhiều người kinh tởm trước những kẻ hợm hĩnh vì tiền, nhưng cũng lắm kẻ tròn mắt ngưỡng mộ, thèm thuồng.
Nhiều người kinh tởm đến mức hét toáng lên khi thấy con đỉa hút máu đến no tròn, và chẳng thấy ai ngưỡng mộ?!
Hình thức khác nhau nhưng hoàn toàn giống nhau về bản chất.

Dù sao thì cuộc sống cũng rất công bằng ( an ủi những người không dám tự chọn phương thức trao đổi công bằng) khi: Chẳng ai mang theo được tiền bạc sang thế giới bên kia.
Của cải trần gian, để lại, trả lại trần gian thôi.

Giới thiệu bài tham khảo:http://www.procontra.asia/?p=570


6 nhận xét:

  1. Bài viết hay quá! Mình không có nghĩ sâu đến thế về đồng tiền!
    Công phu lắm.

    Trả lờiXóa
  2. Cho cho lũ ký sính chết thì vật chủ cũng đã chết rồi. Hồi nhỏ em chứng kiến sự di tản của đám bọ chét sau khi con chó già chết, Đám bọ chét thời nay nó biết cách hút máu làm sao cho vật chủ không chết mà chỉ thoi thóp! Chị luận về đồng tiền quá hay!

    Trả lờiXóa
  3. bài này dài, đọc thấm thật chị à :)

    Trả lờiXóa
  4. Rứa đó , của Thiên trả Địa :))

    Trả lờiXóa