Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Hơi thở của quỷ 1.

1/
Con bé Lem vừa hé cánh cửa gỗ thò đầu ra, là thằng Bình đã hét lên gọi tên nó, khoảng cách từ dưới dốc lên đồi khá xa, nó không chắc con Lem nghe tiếng nó gọi, nên vừa gọi nó vừa nhảy lên khoa hai cái tay  tréo vào nhau như mấy chú lính ra hiệu cho trực thăng đáp xuống. Khi con Lem lách ra khỏi cánh cửa rồi te te chạy xuống chỗ nó, nó mới ngồi xuống, lại cầm cái que vạch xuống đất. Cái khoảnh đất dưới gốc cây thông đã bị nó vạch nát bởi những hình thù vô định suốt mấy buổi chiều.
Tâm trạng nó như giận hờn vì bị bỏ rơi, dù nó biết chắc rằng mấy đứa kia cũng bị cấm cửa như nó. Trường học đã đóng cửa mấy ngày nay, mai mới bắt đầu đi học lại. Nhưng nó chỉ ở nhà được buổi sáng, chép cẩu thả mấy bài tập chép, chứ chiều đến nó lại mở cửa sổ trèo ra ngoài, vội vàng như có đứa nào đang gào tên nó.
Buổi chiều bị cấm cửa đầu tiên nó còn trèo ra, sợ mẹ về nhìn thấy là ăn đòn, lại trèo vào, cứ trèo ra trèo vào suốt buổi. Nhưng đến chiều ngày thứ hai là nó cứ ngồi lì dưới gốc thông này chờ đợi với cảm giác bị bỏ rơi, nó thấy một cục tủi dâng lên nghèn nghẹn, nuốt xuống rồi, lại từ đâu đó trào lên...
 Thằng Tuấn còm con ông Hưng cảnh sát, nhà ngay lửng dốc xuống thung lũng, đã bị ba nó cấm ra khỏi cổng, từ cái đêm mấy đứa ở xóm dưới đi xem ti vi ké về khuya bị vướng mìn nổ banh xác.
Nhưng con Lem thì vẫn lơn tơn chạy chơi với nó mà, chiều nào hai đứa cũng chạy xuống trước nhà thằng Tuấn chơi với nó một chút. Tụi nó cũng bày ra đủ trò dù thằng Tuấn và con bé Hà em nó phải ngồi bên kia cánh cổng.
Con bé Hà mới hơn hai tuổi, giống một con búp bê to, nó chưa biết chơi gì đâu. Thỉnh thoảng nó chỉ phá đám bằng cách thò tay ra bốc đồ chơi của tụi nó rồi nắm chặt không chịu thả ra.
Thằng Bình thương con bé Hà lắm, nó ước chi mình cũng có em như thằng Tuấn. Nó mà có cái gì nó cũng sẽ cho bé Hà hết, kem nè, kẹo nè, đồ chơi nè...Nó chỉ tự hứa thế thôi! Chứ nó chẳng có gì hết! Nó chỉ có mấy cuốn sách cũ, vài cuốn vở mà nó làm nhàu nhỉ và cây bút chì thôi. Những thứ nó chẳng hề muốn có, và nghĩ rằng bé Hà cũng chẳng thích mấy thứ đó y hệt như nó.
Con bé Hà bụ bẩm, hồng hào, không giống thằng Tuấn vừa còm nhom, vừa trắng xanh lại suốt ngày thở khò khè, thỉnh thoảng nó còn không thở được, chị Hai của con Lem phải chạy tới chích thuốc cho nó.
Nó đã chạy xuống nhà thằng Tuấn mấy lần, nhà vẫn khóa cửa im ỉm! Bác Sáng bảo rằng ông Hưng đã chở vợ con đi từ hôm người ta bắn nhau, vẫn chưa thấy về. Nhìn cái nhà vắng ngắt nó chực muốn khóc, chắc nó nhớ con bé Hà, nhớ thằng Tuấn. Nó mím môi lại, không khóc. Không được khóc! Con Lem đã từng nhìn thẳng vô mắt nó nói rằng: Con trai không được khóc nhè.
Con Lem chạy tới chỗ thằng Bình hất đầu hỏi:
- Sao mi ra được? Chị Hai tao nói dì Sáu khóa cửa nhốt mi trong nhà rồi.
Nó ngước lên, môi dẫu dài ra:
- Tao trèo cửa sổ ra.
- Dì Sáu về đánh chết.
Nó khiêu khích:
- Không sợ! Sao mày không dám trèo?
Con Lem ngồi bệt xuống đất, bắt đầu kể với giọng háo hức:
- Có cửa mô mà trèo? Hôm hai đứa mình đang coi bắn nhau đàng sau khoa nhi, dì Sáu bắt được mi, tao chạy vòng qua khoa ngoại, ra nhà xác. Ôi trời ơi! Xác chất đống, không còn cái bệ xi măng nào trống, người ta xếp đầy dưới đất, ra đến tận cửa...Chị Thanh bắt gặp tao, cặp tao vào nách chạy te xuống dốc, vô cái biệt thự của ông quản lý bệnh viện, xuống luôn hầm rượu, tối thui. Tưởng bị nhốt rồi, chút sau mới thấy quá trời người. Chị Hai ôm tao khóc quá trời! Thấy chị Hai khóc tao sợ quá cũng khóc. Họ xuống đó tránh đạn cho khỏi chết như mấy người trong nhà xác đó.
Rồi ông quản lý gọi mấy người làm ở bệnh viện đi hết, chị Hai cũng đi. Rồi mấy người kia cũng đi. Tao bị nhốt dưới hầm rượu 3 ngày, vì chị Hai phải trực trên bệnh viện suốt, không được về nhà, gởi tao cho ông quản lý, mới dẫn về sáng nay á.
- Sao giờ mày mới ra?
- Phải chờ chị Hai ngủ, mà chân chị Hai gác ngang qua người tao vậy nè, tao từ từ lòn ra đó.
- Chết! Mày về đi, chị Hai dậy đánh chết.
- Mi ngu quá! Chị Hai hổng dậy nổi đâu, chị Hai nói hổng ai nhấc tay nhấc chân lên nổi nữa, mắt thì mở không ra...Đâu đâu cũng người bị thương kêu la, khóc lóc, máu me tùm lum...Mấy ngày nay chị Hai không được ngủ rồi, giờ ngủ bù, chắc sáng mai mới dậy á. Mà dậy cũng không đánh đâu, người ta nói yên rồi mà.
- Vậy xong hết chưa?  Yên rồi là không bắn nhau nữa hả? Hay không kêu khóc nữa? Họ làm gì mấy người chết đó?
- Ờ! Yên là không có gì nữa hết á. Dì Sáu có về nhà không? Hổng nói chi với mi hết hả?
- Hôm bắt về đánh cho một trận còn ê đít đây nè. Mặt dữ lắm, chạy về đưa cơm bảo ăn đi, tập chép đi, ngủ đi, cấm ra ngoài, khóa cửa ngoài...Vậy đó!
- Vậy chắc còn lâu mới về, tao với mi đi lên nhà thờ Thánh Tâm chơi.
Chúng chạy men theo lề cỏ, lên ngôi nhà thờ nhỏ giữa con dốc đi lên cổng chính bệnh viện, trèo lên mấy bậc tam cấp, chúng nhìn vào, rồi men dần đến bên cửa hông.
Bên trong, trên lối đi giữa hai hàng ghế người ta kê những chiếc hòm gỗ nhỏ, bên trên thắp những ngọn nến lập lòe. Giữa những tiếng kinh cầu rầm rì là tiếng những tiếng nấc bị kìm nén, tiếng sụt sịt...
Mắt hai đứa trẻ bắt đầu dâng ngập nước, rồi chúng dùng tay áo quẹt nước mũi...thút thít khóc. Một bà xơ đi nhẹ như lướt ngang qua chúng, chợt dừng lại  xoa đầu, rồi cúi xuống nói khẻ vào tai chúng: Các con ra ngoài kia chơi đi.
Hai đứa lủi thủi đi xuống, chúng ngồi ở bậc thang cuối, thằng Bình bứt mấy bụi me đất hình con bài chuồn, mọc dưới kẻ tam cấp, chia cho con Lem. Hai đứa ngồi nhấm lá me, lơ ngơ nhìn qua bên kia đường.
Bên đó là lũng sâu, sương chiều đang vây mù xóm nhà vườn, nơi đã phát ra tiếng nổ kinh hoàng và sau đó là tiếng khóc la vang vọng lên đồi, dựng cả thằng Bình và con Lem dậy ngơ ngác, hoảng sợ níu chặt lấy người thân. Đã mấy tháng qua rồi kể từ cái đêm đó, hai đứa vẫn bật dậy khóc đêm...
Cái bóng xám xịt của cảnh vật in vào, hay những dấu hỏi dày kín phủ lên những con mắt trong veo, làm chúng trở nên mờ đục như đôi mắt của hai cụ già?
Con đường bình thường rất vắng, chiều nay có nhiều chuyến xe, không phải chiếc xe cứu thương màu trắng vẫn chạy lên chạy xuống con dốc. Mà những chiếc xe lam cũ kỷ chở những cái hòm gỗ thông, có cái dài thòi ra khỏi xe cả khúc.
Thằng Bình bỗng nhiên hỏi:
- Họ bỏ người chết vô cái thùng gỗ đó hả?
Con Lem lơ đãng:
- Ờ.
- Mấy bữa trước người ta bỏ mấy người chết dưới lũng vô cái thùng màu đỏ mà.
- Người ta sơn cho nó đỏ lên mi ơi.
- Sao bây giờ người ta không sơn nữa?
- Vì người ta chưa mua sơn.
- Họ chở mấy cái thùng đó đi đâu hả Lem?
- Đi chôn. Lấy cuốc đào đất lên, bỏ cái thùng xuống rồi đậy đất lại, cắm lên cái thánh giá.
- Rồi họ có về nhà không? Hay nằm luôn trong cái thùng đó?
- Nằm luôn đó, nằm đầy trên khu Mả thánh hồi mi với tao chạy lên chơi đó.
Thằng Bình nghĩ đến ngôi nhà khóa cửa ngoài của nó, cảm giác bồn chồn của đôi chân, nó bỗng nhiên hốt hoảng:
- Tao không chết đâu, tao không thích bị nhốt trong cái thùng đó. Mày cũng đừng có vào nằm trong đó Lem ơi! Mình sẽ không được chạy đi chơi đâu.
Con Lem đồng ý:
- Ờ! Chán chết hỉ?
Thằng Bình bỗng níu lấy con Lem thì thào:
- Mấy cái thùng gỗ trong nhà thờ nhỏ lắm, có phải họ bỏ con nít vào trong đó không?
- Đúng rồi, người lớn thì hòm lớn, người nhỏ thì hòm nhỏ.
Thằng Bình sững người:
- Người ta có bỏ con bé Hà vào đó không?
Con Lem hất tay thằng Bình, vùng đứng lên:
- Mi ngu quá đi, người ta chỉ bỏ người chết vào đó thôi. Chết là không có động đậy gì hết, nằm im re vậy đó. Chú Hưng chở anh em con Hà về dưới nhà nội nó núp hầm rồi.
Thằng Bình đứng lên, đối diện với con Lem, mắt nó sáng lên, phản chiếu ánh nến trong nhà thờ. Nó lại thì thào, như sợ bóng đêm đang phủ dần nghe thấy một điều gì đó bí mật:
- Mày có nghe thơm không?
Con Lem hít một hơi sâu, rồi ngước lên chỉ vào bụi loa kèn mọc bên hông tam cấp.
- Nó thơm đó.
Thằng Bình leo lên thành xi măng bên hông tam cấp, rướn cổ lên kê mũi sát vào một cái loa kèn to gần bằng cái mặt của nó, hít một hơi dài. Rồi nhảy xuống gật đầu, mặt sáng trưng:
- Đúng rồi! Nó đó, nó thơm ghê luôn. Mà sao bây giờ mình mới nghe thơm Lem hả?
- Trời bắt đầu tối nó mới bắt đầu thơm. Thôi mình về đi, kẻo bị la đó.
Trên đoạn đường vài trăm mét, hai đứa bé dừng lại không biết bao nhiêu lần, lúc vì nghe tiếng con dế gáy, lúc vì bứt mấy cánh Bồ công anh...Chúng nhảy chân sáo vô tư trong cảnh hoàng hôn ảm đạm, phủ một màu tang tóc lên thành phố cao nguyên.
Tới khu cư xá, chờ con Lem chạy vào sân rồi, thằng Bình co cẳng lao xuống dốc, kéo cánh cửa sổ trèo vào nhà. Nó chốt cửa lại cẩn thận, rồi mò tìm công tắc bật ngọn đèn điện bóng tròn treo tòn teng giữa nhà. Rồi mở cái tủ gỗ lôi nồi cơm ra, nó bới một chén đầy, mở vung nhìn vào mấy cái nồi nhỏ hơn. Nó lấy muỗng múc món bắp su xào với thịt mỡ, đổ lên chén cơm rồi ngồm ngào ăn.
Ăn xong nó mang chén, muỗng bỏ vào cái thau nhôm bên cạnh lu nước để ở góc nhà. Rồi leo lên cái băng gỗ, vói tay lấy một trong những chai nước lọc mẹ nó sắp xếp một cách ngăn nắp trên bàn. Những cái chai được đậy úp bằng miếng giấy xoắn lại hình chóp nón. Nó tu một hơi dài, quẹt miệng rồi đặt cái chai đúng vào chỗ cũ.
Nó đi loanh quanh cái bàn vài bận, rồi chẳng biết làm gì, nó tót lên giường, kéo mền lên trùm tới cổ.
Nó nằm nghe tiếng dế gáy...
Khi thằng Bình đang bay vào những giấc mơ thì con Lem còn ngồi uống chè với ông Hào.
Ông Hào làm gác dan cho bệnh viện, ông sống trong căn phòng sát bên căn đầu hồi, mà chị hai con bé Lem cùng ở với vài người bạn. Họ đều là nhân viên của bệnh viện, người xứ khác đến, nên sống trong cư xá.
Ngồi uống nước chè trước cửa, thấy con bé Lem chạy vào kéo cửa, ông rủ:
- Qua đây uống nước chè với ông.
Con bé Lem thì thào:
- Con chạy vô ăn cơm rồi qua chơi với ông nha.
Mới một lát đã thấy nó qua, tay bưng một tô nui, nguội đến váng mỡ đã đông lại. Nó vừa ăn vừa nói:
- Ông không phải đi trực à? Mấy chị đi trực hết rồi, chị Hai con ngủ chưa dậy.
Ông Hào nghĩ đến mấy cô gái trẻ, họ đều đang ở tuổi xuân mơn mởn, học nghề ở trường tỉnh nào đó, tốt nghiệp ra trường là phải "công tác đất đỏ" mấy năm mới được trở về xứ.
Mấy cô tá viên điều dưỡng ở phòng bên, đều ngang tuổi với con gái ông, họ ríu rít như chim, như lũ học sinh trung học. Nghĩ đến con gái mình, chẳng biết phiêu bạt rừng rú nào, sống chết ra sao, chuyến rồi không biết nó và thằng chồng mắc dịch của nó có tham gia không?! Đã bỏ quê phiêu bạt vào xứ này từ năm 45, vậy mà chẳng thoát, nghiệp số đeo đuổi?! Ông thở dài.
Con bé Lem ăn vừa xong, ông rót cho nó chén nước chè. Cái con bé này thích món nước chè xanh nấu với gừng, cho thêm vào thẻ đường lắm!
Nó sẽ luôn mồm hỏi cho mà xem, sao cái con bé này tò mò thế, cái gì cũng muốn biết, cái gì cũng hỏi. Mới tí tuổi mà đã biết đủ thứ, chả bù với cái thằng Bình nhà bà Sáu!
Vẫn biết là mình thiếu công bằng, nhưng ông không thể nào ưa được cái thằng nhỏ đó, thấy nó là ông đã ghét, cứ như oan gia trái chủ từ đời nào. Ghét như ghét thằng cha nó!
Ừ! Mà ông biết gì về thằng cha nó chứ? Chỉ biết hắn đã chuồn vào rừng, bỏ mặc cô gái lỡ thì mang tiếng chữa hoang, để trả cái ơn che giấu, nuôi dưỡng hắn bao năm trời. Để bà con làng xóm dị nghị đến nỗi cô phải bỏ làng mà đi, rồi đẻ rơi thằng Bình trên đường. Khi người đi đường tìm thấy, thì cả mẹ lẫn con đều sắp chết.
Cái bệnh viện này cứu hai mẹ con, rồi cưu mang luôn. Họ nhận bà Sáu vào làm hộ lý và cho ở căn nhà gỗ vốn là cái kho hàng ở dưới dốc.
Sao mỗi lần nhìn thằng Bình là ông lại tưởng tượng ra thằng cha nó: Da thì đen tái, hổng giống cha nó thì giống ai? Bà Sáu tuy không nõn nà như mấy cô gái trẻ, thì cũng hồng hào kiểu của người xứ lạnh. Rồi cái mặt nó trông đần độn, mắt thì ti hí, tướng của loại người phản bội, nó hổng giống cha nó thì giống ai? "Con thì giống mẹ giống cha, hổng lẽ giống ác là nửa trắng nửa đen"?
Có giống bà Sáu chút nào đâu?
Mà mỗi lần nghĩ đến thằng cha nó, thì ông lại nghĩ đến cái thằng đã rù quyến con gái ông...Ông đã bảo là toàn một lũ lừa, nghe chúng chẳng khác nào tin lời con vẹt. Người ta dạy lũ vẹt biết nói để nghe cho vui, chứ ai lại để vẹt sai khiến mình?! Biết trước mà gia đình ông cũng tan nát, gia đình bà Sáu và gia đình bao nhiêu người nữa?
Suốt ba ngày ông giúp người ta khâm liệm không biết bao nhiêu xác người? Rồi còn ở xứ khác? Nghe nói ở Huế chết cả ngàn người?!
Làm sao đếm được bao nhiêu gia đình tan nát? Và lúc ấy cảm giác của ông đã khô cứng hết rồi, chỉ có mỗi một dấu hỏi: Chúng nó có trong đám người gây ra chuyện này không?
- Ông Hào ơi!
Con bé Lem gọi giật giọng để kéo ông ra khỏi luồng suy nghĩ.
- Ừ!
- Ông chảy nước mắt kìa.
Ông quẹt nước mắt, lại rót một chén chè.
- Sao ông khóc? Tại người ta chết nhiều quá phải không ông?
- Ừ!
- Nhà ông có ai chết không?
- Ông không biết.
- Sao ông không biết? Chị Hai con nói nhà con không sao hết, vì nhà con ở chỗ họ không có bắn nhau.
- Vì nhà ông không ở cùng, mỗi người một nơi, nên ông chẳng biết thế nào.
- Vì sao họ bắn nhau hả ông?
- Để họ dành chiến thắng, giống như tụi con chơi trò chơi thì chia hai phe và phe nào cũng muốn dành chiến thắng.
- Chơi đâu có bắn nhau chết thiệt đâu ông? Bắn nhau chết thiệt, thì còn sống đâu mà chơi nữa, rồi hai phe đều chết thì làm sao mà chiến thắng hả ông?
Con bé làm ông vừa muốn cười mà vừa muốn khóc, ông muốn chửi thề: ĐM đến con nít nó cũng biết thế mà khối con lừa vẫn nghe theo. Nhưng ông không chửi thề, ông nói một cách chua chát:
- Ai sống người đó thắng, ai chết người đó thua con à.
- Vậy thì không chơi bắn nhau, ai cũng sống thì ai cũng chiến thắng hả ông?
- Đúng rồi!
- Vậy thì đừng bắn nhau nữa, vừa khỏi chết vừa chiến thắng.
- Như vậy thì đâu còn trò chơi nữa.
Con Lem có vẽ không phục, nó nói gọn lỏn:
- Chơi ngu.
Suy nghĩ một chút rồi nó lại nói:
- Ông Hào đừng chơi bắn nhau nha, con lớn lên con không chơi bắn nhau đâu. Bỏ vô hòm chôn hết rồi còn đâu mà chơi, lớn rồi mà chơi ngu quá!
Tự nhiên ông cảm thấy ngụm nước chè đắng chát.
Con bé lại huyên thuyên:
- Mấy người mặc đồ lính là mấy người chơi bắn nhau phải không ông?
- Ừ!
- Vậy họ bắn nhau thôi, mắc chi bắn luôn mấy người không chơi? Ông thấy họ bắn nhà thờ tanh banh không? Mấy xơ không chơi bắn nhau đâu ông.
Ông muốn mắc nghẹn ngụm nước. Ông định nói tên bay đạn lạc thôi, mà nghĩ lại cũng chưa chắc đúng.
- Tết mà chơi bắn nhau cho chết hết, chơi không vui chi hết ông hỉ? Làm hai chị em con chẳng được về nhà ăn tết. Con nhớ nhà lắm ông!
Con bé phụng phịu, cái má phúng phính hồng lơ, mắt ngân ngấn nước.
Ông xoa đầu nó an ủi:
- Mai mốt yên yên rồi về.
Nó dẫu môi:
- Mai phải đi học rồi, có được nghỉ đâu mà về.
- Ừ! Thôi về ngủ đi, sáng mai còn đi học.
- Mà hai phe bắn nhau đó cuối cùng là ai thắng hả ông? Con với thằng Bình đứng sau khoa nhi nhìn lên nhà thờ Domain thấy họ bắn nhau quá trời, phe nào cũng chết. Vậy thì ai thắng?
Ông muốn nói: Mấy thằng núp hầm thắng, mấy thằng ác mà hèn thắng, mấy thằng khốn nạn thắng, mấy thằng điếm chính trị thắng...
Nhưng ông lại lắc đầu:
- Chưa có ai thắng đâu, còn bắn nhau nữa.
- Phải la họ đi ông Hào, cấm chơi ngu nữa.
- Ừ! Mai mốt ông la, ông cấm. Con về ngủ đi.
Cái mắc nghẹn giờ đã tan chảy, nước mắt ông mặn chát. Ông lại đưa tay quẹt.
Con bé Lem đứng lên, tần ngần, nó nhìn ông một lúc rồi chạy tót ra sân, ông ngoái ra nhìn theo. Thấy nó chạy tới bụi bông loa kèn ngoài hàng rào, với tay bứt một cái. Nó chạy vào, đưa sát cái bông vào mặt ông.
- Ông Hào ngửi đi, ngửi đi. Hít mạnh vô. Thơm không?
Ông hít một hơi.
- Thơm mà nồng lắm.
Nó cười, mắt sáng trưng:
- Tới khuya là nó thúi luôn đó ông. Ông đừng buồn nữa, ông đi ngủ đi nha, nằm mơ thấy bà tiên nha ông. Con về ngủ nha ông Hào.
Nó vứt cái bông ra sân, rồi chạy ra kéo cái cửa phòng bên cạnh tọt vào mất.
Ông Hào đóng cửa đi ngủ. Lòng ông trống rỗng.

3 nhận xét:

  1. Xã hội còn ngẩn ngơ dài dài nếu chẳng ai muốn nói như ông Hào! Bởi chúng ta đôi khi xem lẫn nhau như con bé Lem

    Trả lờiXóa
  2. Bắt đầu câu chuyện từ năm 1968 ha?

    Trả lờiXóa