Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Đi với Nguyễn Ngọc Tư

Pulpit rock
Chẳng hẹn trước mà hôm qua đi với NN Tư.
Suốt cả chuyến đi, những cơn gió cứ thổi, lúc mơn man, lúc sườn sượt. Khô hanh, bỏng rát, rờn rợn… Những cơn gió lẻ, cô gom từ bốn mùa ký ức, từ vui buồn, thương yêu, hờn giận…lồng lộng, hiu hiu…
Gió lẻ với NNT là gió lạ với tôi. Gió của tôi là gió chẳn, gió sĩ, gió mùa, gió mua.
Tuổi thơ tôi có gió Lào hanh hao, bỏng rát từ phía núi thổi về, từ luồng, từng cơn, như ngọn lửa vô hình quét qua. Có gió nờm mang hơi nước mát ngọt từ phía sông thổi lên…Có gió biển nhẹ nhàng mơn man, và đôi khi cuồng nộ hắt lên những cơn sóng bạc đầu cuốn xô cả những mái nhà, lôi tuột cả những con thuyền.
Ở thành phố này, không có gió của NNT, không có gió của tôi. Chỉ có gió bụi cuốn lên từng luồng như lốc, mỗi khi những chiếc xe chạy vụt qua. Nó làm ngạt mũi, cay mắt, và đôi khi dạt cả ra ngoài.
Gió của NNTư mang theo nhiều cảm xúc, nó có nơi bắt nguồn, nơi đi qua và nơi đậu lại. Gió trong nhà tôi vô vị, vô tâm, nó rào rạt không vì đám lá vàng, đám mạ non, mà chỉ là tiếng kim loại ma sát khô khốc thiếu sự bôi trơn. Nó nóng hực khi hết ga, khi quên điều khiển giảm nhiệt… Gió NNTư dẫu có rờn rợn, dẫu có nóng ran, cũng là của cho không, của tự nhiên nhận được. Gió của tôi phải trả tiền để nhận lấy! Trả tiền để mua chút thoải mái vô vị, trả tiền để khỏi bức bối điên cuồng…
Cũng là gió, cũng vô hình vô dáng, cũng chỉ ào ào hay hiu hiu…Mà sao khác nhau nhiều lắm thế?
Tôi theo NNTư đi qua những miền gió. Đi qua những con đường, những số phận, những vùng đất tôi chưa từng đi qua…
Đi với NNTư không vui, đó là chưa nói nó quá buồn!
Cô hứa về gió lẻ, những cơn gió cô đã kể vài lần. Nhưng suốt chuyến đi nghe sóng nhiều hơn thấy gió ( nghe máu dồn thành sóng vỗ vào tim ML ).
Cô còn quá trẻ! Chưa đến nửa đời người. Đôi mắt nhỏ, tròn, trong veo…Nhưng cái nhìn buồn hiu, ngôn ngữ mộc mạc nhưng cứ cứa nhây vào nỗi đau như con dao cùn không thể cắt ngọt. Dù chỉ để làm một cuộc giết chóc!
Chỉ có những người dũng cảm mới đủ sức quan sát những cái chết, những số phận. Bởi người ta thường trốn tránh nỗi đau, cái buồn. Cô không chỉ quan sát, cô săm soi, cô ghé tai, ghé mắt, cô lắng nghe, hít hà…và quay đi, lơ ngơ nỗi buồn chẳng thèm dấu giếm..
Tôi quen NNTư qua sự giới thiệu của cô cháu lớn. Lúc đó cô đang chìm ngập trong nỗi buồn của Cánh đồng bất tận. Cô đang vùng vẫy cố thoát ra khỏi những sợi dây trói buộc của ngôn từ. Sự trói buộc để nhận chìm cô vào chính cánh đồng mênh mông, ngập úng những số phận, những mảnh đời. Cứ tưởng rồi cô cũng lún dần vào một khoảnh sình lầy heo hút. Nhưng tiếng kêu từ CĐBT đã vọng âm…Người ta có nhiều cách để giết chết một tên tuổi, để giải quyết một số phận, nhưng người ta khó dập tắt một thanh âm.
Tôi từng nghe người ta nói Phạm Thanh Phương giống NNTư. Người ta chụp chân dung hai đứa con của họ, rồi so sánh với nhau? Rồi phán xét: Chúng bà con, anh em gì với nhau đấy. Chúng là anh em ngoại hôn? Đảm bảo cho lời phán xét của họ là cái bóng của một cây đa đầu làng?! Đến bây giờ, lại nghe nói đứa con mới sinh của NNTư mang gen của Đoàn Minh Phượng?! Chẳng biết các nhà chuyên môn họ có kiểm tra AND để chứng minh không?
Chắc chẳng cần đâu?! Khi phủ nhận, ai quan tâm đến trách nhiệm? Có ai cần biết rõ mình đã làm ai đau? Và nếu biết, chữ vô tình có thể bào chữa thay rồi mà. Vô tình?! Sự vô tình có thể làm người ra ruồng bỏ ngay cả chính con mình, thì sá gì một số phận, một tài năng, chứ đừng nói chỉ là sự cống hiến, sự góp công?
Sao lại phải cố khẳng định mình bằng cách phủ nhận người khác? Cái cảnh cứ muốn leo lên người ta, trèo lên vai người ta, chà đạp người ta, để nhoi lên, để trèo lên, cố vói, cố hươ tay cho thiên hạ thấy mình?!
Nhưng dù sao trò thô thiển đó cũng không đáng sợ bằng cái trò kéo người ta lên trên cao, để cho người người khác xúm vô xô xuống?! Chao ôi! Lòng người, tình đời!
Tôi chẳng có cái bóng nào để phủ trên những ý kiến cá nhân của mình, nên tôi có thể vô tư nhận xét: Những đứa con của họ có đôi mắt giống nhau. Đôi mắt chìm ngập nỗi buồn. Nỗi buồn quá khứ, nỗi buồn mang tội tổ tông!
Nỗi buồn truyền nhiễm từ những cánh đồng heo hút, từ những dòng sông dẫy chết, từ núi đồi sạt lỡ đỏ máu…vào những đôi mắt ngắm nhìn…

- Cô dắt tôi đi thăm hai đứa trẻ, hai đứa trẻ kế thừa món nợ của cha ông, loay hoay không biết yêu hay ghét, trả hay vay? Những đưá trẻ mang số phận của dân tộc, quá khứ của dân tộc , tương lai của dân tộc. Những đứa trẻ lơ mơ, ngái ngủ giữa buổi trưa hè của hiện tại đã bị đóng đinh.
- Ghé thăm ông giáo, cô cười mĩm với chuyện “ bí mật cái tổ con chuồn chuồn”. Tội nghiệp con người cứ tự làm khổ mình vì những chuyện không đâu. Cứ túm, víu cái bóng nhạt nhòa của chính mình. Sao không khiêu tim ngọn đèn? Loay hoai tự tìm bóng bên ngọn đèn hiu hắt?!
- Cười cợt một chút những trái ngang, chuyện nợ duyên …Khi ghé quán café bên con dốc Mây, nghía bốn con người, ba gái, một trai mà chẳng làm nên hai cặp? Lesux đem so sánh với Lesbian, đồng âm, nhưng khác cả phạm trù lẫn lãnh vực. Nói chi cú pháp, nghệ thuật, cứ để cạnh nhau chông chênh như thế mới vui?! Cái nhìn khá khôi hài?!
Nhưng chỉ liếc sơ như kẻ bàng quan, với một chút tò mò nhỏ xíu mà một nụ hôn sâu đủ thỏa mãn rồi, đã giải thích được rồi. Không cần đao to búa lớn, mà ai cũng nhận ra kẻ thua cuộc. Cách nhìn, cách nhận như thế cũng kỳ, cũng lạ chứ.
- Bông sầu trên đỉnh núi tôi đã xem qua, nên không ghé lại. Đâu phải ai cũng sướng quá hóa điên, cũng được hạnh phúc đến cảm thấy vô vị? Cũng ích kỷ và trơ lì đến chỉ quan tâm đến cảm xúc của riêng mình? Tôi không thích xem bông sầu. Không lẽ mình lại phạm tội ngạo mạn khi phải thương xót cả thằng bé làm bạn với cái sọ dê, lẫn anh doanh nhân đi tìm cái đẹp vô nghĩa nỡ hoa trên đỉnh sầu, đau của đồng loại. Thương hại hay cười cợt đều có lỗi.
- Tôi nhìn thấy hai đứa trẻ trong cô? Hay cô trong hai đứa trẻ? Cô yêu những đứa con, nhưng ghét bố mẹ chúng! Cô không tha thứ cho họ, dù họ đã chia lìa bằng cách nào? Họ đã từ bỏ tình yêu của nhau, và từ bỏ cả sản phẩm của tình yêu? Họ đuổi theo cái bóng hạnh phúc và để lạc mất, vụt khỏi tay mình chính một phần đời. Những đứa trẻ không được chọn việc mình sinh ra, nhưng có thể chọn cho mình cách biến mất khỏi cuộc đời!
Cô can đảm! Tôi không thể nào thả trôi một số phận lạc mất giữa dòng đời. Hay quyết định đưa cho nó một nắm thuốc ngủ, để oan hồn nó mãi lưu lạc trên con tàu.
Tôi không thể để hình ảnh đó lưu lại trong tôi, nó quá đau đớn, quá sức chịu đựng. Tôi có thể đồng lòng với những điều cô muốn trách mắng những người đã thay đổi những khuôn mặt tình yêu. Nhưng không thể nhìn cô xử lý những số phận để trừng trị, để cảnh báo người làm cha, làm mẹ…Tôi sợ! Sợ nghe sóng trong tim. Đôi mắt ướt đẫm nỗi buồn không đáng sợ bằng đôi mắt khô khốc nỗi buồn! Đời thật thế thì mấy ai can đảm để sống? Chỉ cầu xin, xin con người đừng sinh ra những số phận bi thảm, đừng làm ra những bi kịch. Nhân gian đầy những người chết đuối trên giòng đời!
- Đến nhìn núi lở càng dễ sợ hơn. Đã nghe nói hòn Phụ- Tử đã sụp mất một hòn, đã biết nàng Tô thị hóa đá ngàn năm, nay bị nung vôi! Ngũ hành sơn còn bị gọt bớt … Vẫn biết ngày nay người ta vì lợi, mà lãng quên nguồn cội. Người ta mãi mê chứng minh sức mạnh cơ bắp : đào núi và lấp bể. Nhưng ai đó đã nói: “nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, quá khứ sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.
Nước đã trào ngược từ nơi nó phải chảy đi, bởi con đường người ta dọn cho nó quá ngóc ngách, tối tăm và nghẹt cứng những thứ bẩn thỉu, rối rắm. Để những con người dầm đẫm trong nó có cơ hội xài thử một chút thứ của để dành mà họ cho con cháu kế thừa.
Núi lở để chứng minh nước vẫn chảy xuôi, dù đó là nước mắt, nước mưa? Núi lở để nhắc người ta ngước mắt nhìn về cội nguồn? Để người ta lắng nghe giấc mơ của một thằng Vĩnh. Giấc mơ của tương lai lại chìm ngập trong nỗi buồn của quá khứ, chìm ngập trong thiên tai kinh hoàng. Cả trong giấc mơ, Vĩnh cũng co quắp với cảm giác rờn rợn nỗi gai ốc như từng cơn sóng! Chỉ có một cách kéo Vĩnh ra khỏi nỗi ám ảnh của quá khứ u buồn: Nhìn thẳng vào bộ phim chiếu chậm, tua lại cái chết của ông và sinh kế của cha mẹ. Và nói thẳng để dứt nó ra: Không ai thay đổi được quá khứ! Làm sao đi về phía trước, tiến lên, mà đầu cứ ngoảnh lại? Dù cảm thấy tự hào hay tủi nhục?!
- Thổ sầu đã nằm trong tua du lịch! Tôi đến đó lần trước với suy nghĩ bị truyền nhiễm từ một trang viết của Trang Hạ: Tính ngạo mạn sinh ra từ hành động ban cho?! Cái cảm giác thỏa thê một cách ti tiện mang tính tỵ nạnh của những người tự thấy mình hơn thiên hạ? Mình đang đứng ở vị trí gia ân? Khoe khoang và kể lể? Như nhìn thấy con người đang đứng chống nạnh, cười cợt cái sự nghèo túng, bần cùng của ông, cha.
Thật lạnh lùng nếu chỉ nhìn thấy những đứa trẻ mới biết từ chối ngắm nhìn sự nghèo khó. Nhiều lắm chứ, những trái tim nhạy cảm với nỗi đau đồng loại thường trốn vào góc riêng. Nó không để ai nhìn thấy, nó cũng không nhìn thấy, nhưng nó cảm nhận được qua từng nhịp sống, và gặm nhấm nó như một nỗi đau riêng.
Tôi muốn nói với Tư về cô bạn là một doanh nhân thành đạt, có những ước muốn cho tương lai của đứa con không bao giờ được sinh ra của cô ấy: Cho nó sống như người thượng trên đầu nguồn. Đâu phải ai cũng muốn phủ quanh mình là tiện nghi hiện đại? Đâu phải ai cũng nhìn những hoang sơ bằng đôi mắt thương hại?!
- Của ngày đã mất là tuổi trẻ, là sự nồng nhiệt đầy vụng dại, thiếu toan tính lo âu . Cho và nhận chẳng so bì hơn, thiệt. Người ta đổi thời gian với bao lần vấp ngã, thất bại, để lấy kinh nghiệm, sự khôn ngoan. Người già say mê tìm về quá khứ, sưu tập những thứ sợ trôi vào quên lãng? Ngày xưa. Từ đồng hành, hay niềm vui nhắc nhở một thời thanh xuân. Ngày xưa, ở trong trí tưởng tượng trẻ con đồng nghĩa với cổ tích. Tuổi trẻ đã đi qua tuổi thơ, nhưng không thể đồng hành với tuổi già. Họ không thể cùng chia sẻ quá khứ. Họ không ở cùng thời điểm. Cứ như ông TCS đếm nhịp 12345-678910 cho hai người. Cùng bước đấy, nhưng hai nhịp điệu khác nhau. Nhưng ngày chưa mất đâu, khi sự lú lẩn chưa nuốt chúng vào.
- Con cóc đã mở miệng để kể chuyện hẹn hò, cóc mà mở miệng thì đến ông vua tai lừa cũng phải tự tử. Nên chuyện hẹn hò kết thúc thật là “ vô hậu”. Buồn chi mà buồn ác rứa Tư? Cô làm người thành phố từ nay trước khi dắt nhau vô khách sạn cũng phải ngó trước, nhìn sau, xem có con cóc nào không? Kẻo phải chui xuống cống cho chết trôi. Có chết trôi cũng phải cố sao cho mất xác, kẻo con cháu cả đời đi tìm lý do sao mình chết?
Chuyện “ trên bộc dưới dâu” thoáng qua thôi, mà nó dằng day chi đến đời con đời cháu? Cái sướng-khổ vẫn biết là liền kề rồi, nhưng hậu thì chẳng biết đến bao giờ mới dứt. Vậy “ vô hậu” cũng đâu kết thúc được chuyện hẹn hò hả Tư?
 - Con người được cho là động vật cao cấp nhất, thông minh nhất, con người có ngôn ngữ. Họ dùng ngôn ngữ để truyền đạt. Ừ ngôn ngữ quan trọng lắm, hay ho lắm. Ngôn ngữ của con người đâu chỉ con người hiểu, ngay cả chó, mèo, heo, bò …cũng hiểu. Ngay cả chim cũng biết cách nhại theo. Chỉ có con người là không hiểu được âm thanh của súc vật? kể ra thì đó cũng là nhược điểm đáng nói trong cái thứ trí tuệ được ca ngợi đó chứ.
Nhưng từ khi con người biến ngôn ngữ thành nghệ thuật, thì nó mang đủ thứ màu mè để bôi, để vẽ…Có người dùng nó để giết người, để dệt nên cả tấm màn dối trá che đậy sự thật thô bỉ, nhớp nhúa…
Đến nước đó thì đúng là người ta đã biến thứ văn minh đáng tự hào của loài người thành rác rưởi. Người ta vì những lý do gì đó cứ vờ phải lắng nghe những lời dối trá?
Nếu con người có phản xạ ói thốc ói tháo ra trước những lời dối trá, như những phản ứng tự nhiên? Sẽ chẳng mấy ai muốn nói. Cứ ói đi, nói làm gì. Đó cũng là câu trả lời. Tôi cũng muốn ói trước những mảng màu của ngôn ngữ, trước những sự dối trá đến trơ trẽn. Thử tưởng tượng những hội trường, những phòng họp, những phòng khách… tràn ngập những bãi ói mửa?! Kinh khiếp quá!
Chắc lúc đó người ta phải từ bỏ ngôn ngữ thôi. Nhưng làm sao có thể để mình nhạy cảm đến thế giữa thế giới trơ lì này? Dối trá đã là căn bệnh xã hội, nó truyền nhiễm, nó lây lan…Chẳng có ai ói mửa vào nó, họ còn ca tụng nó, tuyên xưng nó bằng những ngôn từ mới nhất sáng tạo nhất, nghệ thuật nhất…
 Họ chỉ bỏ nỗi buồn bả, bất lực, vô vị… của cuộc sống này vào những ly rượu, cốc bia, gia thêm chút hoang tưởng, chút vĩ cuồng… và uống mãi, uống mãi…cho đến lúc họ ngập chìm trong nó, rồi ói thốc ra, trả lại cho đời.
Bằng cách này hay cách kia, mọi người cứ thay nhau bôi bẩn đời mình, bôi bẩn đời nhau.
Khi bản chất không giống như tên gọi, khi lời nói không phải để diễn đạt lòng mình, thì nói cũng như con sáo diễn trò. Kịch có gì hay khi người ta đứng sau cánh gà xem diễn viên thay vai, khoác áo? Vậy đó! vậy mà bao nhiêu người vẫn diễn đi diễn lại những kịch bản cũ xì, lạt nhách! Thứ tuồng sáo rỗng, vô vị, đầy những lời dối trá? Và kỳ cục thay đám khán giả vẫn kiên trì nhìn xem bằng đôi mắt vô cảm, trơ lì, chịu đựng…Và cả đám người vỗ tay, hò hét, tung hô rất chuyên nghiệp. Đến phát ói mất!
Một lời nói giết chết mẹ? Nhiều lời nói che đậy cho cha? Và màn ca ngợi, tung hô với vô số những ngôn từ tốt đẹp…Các nhân vật thay vai, đổi chất cũng chỉ bằng ngôn từ? Xảo ngôn là thế!
Khép một cánh cửa nhẹ nhàng, em đi. Con đường đó ai chẳng đi qua? Nó là con đường nối từ chiếc nôi đến nấm mồ. Có người trên đường luôn tìm một ai đó ? Có người chờ đợi được gặp một ai đó? Có người chẳng chờ, chẳng đợi, chẳng đến một nơi nào, một ai? Con đường có thể sẽ bằng phẳng, trơn láng đến lạnh lùng, khiến con người trợt qua một quảng thời gian dài không hay biết. Con đường khúc khủy, quanh co, lầy lội. Kéo ngã, nhấn chìm bất cứ ai buông xuôi…Nhưng ngay cả trên đỉnh cao, hay bờ vực, số phận vẫn sẽ là kẻ quyết định đích đến.
Em và Dự đã bất ngờ đến đích? Khi ông buồn còn mãi kêu gào bên bờ vực?
Nhà văn là thượng đế trong tác phẩm của mình. Tư cho em đến đích vì em nghe rõ được không chỉ tim mình, còn nghe được cả tim người. Có nhiều người tu hành cả đời chỉ mong đạt đến thế thôi. Tư cho Dự đến đích, vì anh ta đã tìm được được mộ bà nội. Cả đời chỉ để sửa một câu nói sai, chỉ để tạ lỗi, còn có nghĩa hơn chẳng để làm gì?
Ông buồn ở lại đó. Đường còn dài khi người ta sống không mục đích? Hay để ông nhận ra rằng : Đâu phải không có là không mất? Những được mất trên đời chẳng ngờ mà được.
Đi với Tư buồn quá! Mà chuyến đi dài, nỗi buồn dai! Chỉ đôi khi Tư hài hước, trào lộng. Nhưng quá hiếm hoi!
Chi tiết: “ giải quần vợt mở rộng” mưa làm rơi mất chữ t, thì có thể cười rộng miệng, ha hả một tí thôi. Nhưng cái hậu cũng đắng nghét với cái trò cắt xén chữ nghĩa.
Chỉ là nói ra ý nghĩ của riêng mình về một chuyến đi. Chẳng dám khen, chê hay bình phẩm. Vì vẫn biết: “ người khen ta, mà khen đúng là bạn ta. Người chê ta, mà chê đúng là thầy ta. Người khen ta, mà khen sai là kẻ thù ta”. Chưa là bạn, không là thầy, càng không muốn làm kẻ thù.
Có nhiều người mạnh miệng khen chê. Vượt qua cũng khó! Cái nghề họ thế! Khen cũng có tiền, chê cũng có tiền. Lại có danh có phận. Nói như phán.
Nghĩ mỉa mai? Nhưng ôm hôn rồi lấy tiền là thứ tình gì?
Hay đánh đấm rồi lấy tiền là thứ thù ghét nào?
Ôi đời!

22 nhận xét:

  1. Vậy là thành giải quần vợ mở rộng hả! Hahaaha....

    Trả lờiXóa
  2. Tìm ra cuốn tạp văn của NN Tư rồi đó, khi nào gặp P đưa ông mượn.

    Trả lờiXóa
  3. chữ nhỏ mà màu xanh trên nền tím nên khó đọc lắm P. à

    Trả lờiXóa
  4. Pink... Entry này hay quá Pink à! khen hay là thừa và có vẻ ...phạm thượng, nhưng em quả là hông biết tìm từ nào tốt hơn...
    Sao Pink hông gởi bài này cho báo hen? Để nhiều người đọc hơn...
    Em đọc Gió Lẻ, thấy buồn và đau. Nhưng để gọi tên nỗi đau đó chính xác thì hông mần được... hic... văn chương vầy mà bỏ dở sự nghiệp, Pink hông tiếc hả?

    Trả lờiXóa
  5. Chị, em ở miền Tây như NNT nên em đọc NNT bằng cách cảm của người trong cuộc. Ngạc nhiên quá trước những phát hiện của nàng, nhói đau quá trước những số phận rất gần mà chưa bao giờ ta quan sát, và mân mê từng dòng chữ- vâng, mân mê từng dòng-duyên dáng lạ lùng!

    Trả lờiXóa
  6. MM, sao lại nói như thế ? Đừng chạm vào vết thương đã lành của P. P này, viết như cuộc ngao du, trên Blog hay ở đâu cũng thế mà thôi, phải không ?

    Trả lờiXóa
  7. Thời SV nghèo và buồn, ở trọ 1 mình tuốt dưới bến đò bình quới, xung quanh toàn là ao là ruộng, ngồi đọc cuốn tạp nhạp NNT rồi tự kỷ như đứa con nít thiếu sữa :D:D

    Trả lờiXóa
  8. Bài P viết sao đọc đến đâu...gai óc nổi đến đó...buồn quá....buồn như biết mình sanh ra là đã có tội.....tội tổ tông..!

    Trả lờiXóa
  9. Đọc - cùng "đi" để mà biết... buồn !
    (Thành công của NNT là ở đó. Khiến cho những phiến đá biết sầu thay vì mãi là những phiến đá vô tri giác).

    Trả lờiXóa
  10. Cô Tư quả thật có tài...cái tài khiến khi khg màng thì thôi...màng đến đâu chột dạ đến đó...Không thể khg chột dạ khi đọc văn cô ấy...theo ý em là vậy...Sao hôm nay H thức sớm thế?

    Trả lờiXóa
  11. Hì.. hì.. thời gian biểu vốn dĩ thất thường mà.

    Trả lờiXóa
  12. Em "ghét" mấy người viết hay mà bỏ... để chộn chạo chốn văn chương tòan thứ dở hơi lấn lướt... uổng quá!

    Trả lờiXóa
  13. Có vết thương nào đâu mà lành với chả đau?
    Có được chút nào thì đó cũng là của riêng mình, tích sự gì cho ai nào?
    Đừng có mà "quan trọng hóa vấn đề Ka à.
    Người ta bảo mình chọn nghề, mà nghiệp chọn mình. Nghiệp nó hổng theo mình là mình có phúc chứ ka, em biết hưởng phúc mà.

    Trả lờiXóa
  14. Nhỏ à! Cái này P viết lâu rồi, hồi mới đọc Gió lẻ, viết chỉ để trãi cảm xúc của mình thôi. Tối t6 ngồi chơi với mấy người bạn, có nói về Nguyễn ngọc Tư, đương nhiên mỗi người mỗi ý, nên P mới tìm cái bài viết đó trong máy post lên thay vì phải nói ý kiến riêng của P (dù chưa kịp chỉnh sửa ngay cả lỗi chính tả) Thành thật xin lỗi bạn nào đã đọc bài này vì sự thiếu sót này. Hôm qua đến giờ bận nên cũng chưa đọc lại để sửa.
    Ngay dân cư làng Mul cũng chỉ những ai đã đọc Gió lẻ thì mới cảm nhận bài viết này, không thì thấy nó bị "đứt mạch, chuyển cảnh" liên tục. Chẳng mấy ai quan tâm đâu.
    Cám ơn nhỏ quá khen ( chắc hợp rơ hỉ?)
    Còn chuyện đăng báo, P chẳng quan tâm.
    Có một lần, sau khi bỏ viết một thời gian, P đọc cuốn Bóng đè của Đổ Hoàng Diệu đọc xong viết liền một mạch, H bảo đưa đăng báo, đến lúc ra báo ( ngay trên tờ báo H làm BTV) thì bài viết đó ký tên một tác giả khác?! Tự nhiên cảm thấy bực, rồi tự hỏi: Mình không cần tiền nhuận bút, mình cũng chẳng cần cái tên, vậy tại sao mình phải bực?
    Chuyển sang viết truyện ngắn, truyện nào tâm đắc thì bị chê "thiếu tính nhân văn", cần phải nhẹ nhàng thư giản cho người đọc. Cũng đã "thực hiện theo yêu cầu" được năm bảy truyện ( muốn thì đưa cho đọc). Nhưng...lại không có hứng khi "viết theo yêu cầu" nên thôi!

    Trả lờiXóa
  15. Có một lần P nói chuyện với một ông trưởng ban văn hóa nghệ thuật của một tờ báo:
    - Tại sao trang thơ của báo không tìm nổi bài nào hay, bài nào đọc được? Ổng nói
    - Thì phải tạo cơ hội cho tụi nó kiếm cơm.
    P thấy giận dữ:
    - Như vậy là thiếu trách nhiệm với bạn đọc, vì khi bỏ tiền ra mua một tờ báo, mỗi người đều có ý thích riêng, nhiều người chỉ quan tâm đến trang VHNT, anh đâu có quyền "cho" cái không phải là của anh.
    Ông ta chỉ cười trừ.
    Thấy đau cho thơ và đau cho cả người làm thơ!

    Trả lờiXóa
  16. đó đó, nhà thơ còn tự bỏ tiền ra in, in xong đâu có bán được, chỉ để đem biếu tặng thì nói chi là.... Post lên Blog vậy mà thích hơn, thú vị hơn

    Trả lờiXóa
  17. Em đọc chậm P. nhưng đọc kỹ.Nếu P vui lòng thì cho em xin mấy truyện đó, hén P.
    Cảm ơn P.

    Trả lờiXóa
  18. Ngẫm ra dốt chữ Việt nhiều khi lại là tốt....khỏi bị ức chế.

    Trả lờiXóa